Dạy con từ thuở còn thơ...

Cập nhật lúc 14:42, Thứ Sáu, 10/01/2020 (GMT+7)

Từ xưa, ông bà ta đúc kết kinh nghiệm “Dạy con từ thuở còn thơ”. Trong xã hội ngày nay, theo các chuyên gia tâm lý và các nhà quản lý giáo dục, câu chuyện dạy trẻ hình thành những phẩm chất tâm lý, nhân cách từ tấm bé vẫn mang nhiều ý nghĩa và tính thời sự.

Trẻ vui chơi hòa đồng với bạn
Trẻ vui chơi hòa đồng với bạn

* “Nuôi con không phải là cuộc chiến”

Nhà giáo dục người Nga Macarenco cho rằng những gì không có được ở trẻ 5 tuổi thì sau này khó có thể hình thành và sự hình thành nhân cách ban đầu lệch lạc thì giáo dục lại rất khó khăn.

Đón con tan học, chị Phương Thảo (phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa) đã mang theo lỉnh kỉnh kẹo, sữa kèm theo một bong bóng bay màu đỏ sặc sỡ cho “công chúa nhỏ” hơn 2 tuổi. Nhưng khi ra tới cổng trường, thấy hàng đồ chơi bày nhiều món bắt mắt, bé nằng nặc đòi mẹ mua cho con thú đồ chơi biết đi. Yêu cầu không được đáp ứng, bé không chỉ khóc lóc mà còn phản ứng bằng cách quăng cặp, đánh mẹ…

Tình huống mà chị Phương Thảo gặp phải không phải là cá biệt trong những gia đình có con nhỏ, và nó diễn ra với những mức độ khác nhau. Theo kinh nghiệm nuôi 2 con của chị Bùi Thị Nghĩa (ngụ xã Phú Ngọc, huyện Định Quán), trẻ dù nhỏ nhưng đã ý thức được việc sẽ bám lấy người mà nuông chiều bé, đáp ứng yêu cầu của bé. Nếu không đáp ứng các yêu cầu, bé thường ăn vạ. Dĩ nhiên danh sách yêu cầu của bé thì ngày càng dài ra, có cái vô lý… Các thành viên trong gia đình nếu không bình tĩnh, thống nhất cách dạy con sẽ dễ dẫn đến mất hòa khí trong gia đình.

Theo cô Nguyễn Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường mầm non Hướng Dương (TP.Biên Hòa), với những trường hợp trẻ đòi hỏi phi lý và khóc lóc thu hút sự chú ý như trên thì cha mẹ không nên đáp ứng ngay yêu cầu của trẻ. Thay vào đó, người lớn cần bình tĩnh giải thích với trẻ về hành vi trên đúng hay sai, nên hay không nên một cách đơn giản, dễ hiểu.

* Hành vi của trẻ được thể hiện khác nhau ở môi trường khác nhau

ThS.NGUYỄN CÔNG BÌNH, Phó giám đốc Trung tâm tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức nhấn mạnh, trẻ ngoan không đơn thuần là trẻ chỉ biết nghe lời, mà quan trọng là ở lứa tuổi trẻ em có các hành vi giao tiếp ứng xử phù hợp với mong đợi của lứa tuổi như: các phép tắc, chuẩn mực, các hành vi phù hợp, cách giao tiếp…

Cô Nguyễn Thị Hạnh cho biết trong nhiều năm làm công tác quản lý, cô thường tiếp nhận thông tin phản ánh của phụ huynh rằng, sau một thời gian ổn định và hòa nhập với trường với lớp, trẻ thường tự lập hơn trong nhiều hoạt động như: tự xúc ăn, thay quần áo, biết chơi hòa đồng với bạn, thích giúp đỡ cô giáo những việc nhỏ và đặc biệt không quấy khóc, trong khi về nhà thì trẻ thường đòi hỏi sự hỗ trợ, phục vụ của người lớn.

Đi sâu vào việc giáo dục trẻ ở độ tuổi mầm non, cô Nguyễn Thị Hạnh phân tích, giáo dục nhân cách cho trẻ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của trường mầm non. Thông qua hoạt động vui chơi là chủ đạo, giáo viên sẽ giáo dục kỹ năng, đạo đức cho trẻ phù hợp với lứa tuổi. Các hoạt động này được lặp đi lặp lại, từ đó trở thành bài học nhân cách cho trẻ. Chẳng hạn: hoạt động đón trẻ - trả trẻ lồng ghép bài học lễ giáo, hoạt động vui chơi phân vai theo chủ đề giúp trẻ luôn giúp đỡ bạn, không tranh giành đồ chơi…

Về vấn đề trẻ ở trường rất biết nghe lời cô giáo, tuân thủ các quy tắc ở trường ở lớp nhưng về nhà một số trẻ có biểu hiện lại là “ông vua con” trong gia đình, ThS. tâm lý lâm sàng Nguyễn Công Bình, Phó giám đốc Trung tâm tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức (TP.Biên Hòa) lý giải: “Chúng ta cần nhìn nhận hành vi của trẻ được thể hiện khác nhau ở môi trường khác nhau, liên quan đến cách thức giáo dục và quan điểm trong cách giáo dục của cha mẹ. Theo đó, cha mẹ chưa ứng xử phù hợp và cách thức cha mẹ đáp ứng với các hành vi chưa phù hợp của trẻ thiếu đúng đắn cũng gây nhiều hành vi lệch chuẩn nơi trẻ”.

Cô dạy trò lễ phép mỗi giờ đón - trả trẻ
Cô dạy trò lễ phép mỗi giờ đón - trả trẻ

Đồng quan điểm trên, Hiệu trưởng Trường mầm non Hướng Dương Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh việc giáo dục tại gia đình rất quan trọng, bởi ngay khi sinh ra, trẻ được tiếp nhận môi trường giáo dục nhân cách nền móng đầu tiên. Đến giai đoạn lứa tuổi mầm non, chính gia đình sẽ nối dài các bài học ở trường, đưa các bài học ở trường vào thực tiễn… Đơn cử như trẻ không thể hình thành ý thức lễ giáo nếu ngoài việc học ở trường, trẻ không được thực hành thường xuyên trong môi trường giáo dục tại gia đình…

* Cần thiết phải có kỹ năng làm cha mẹ

Các nhà giáo dục đã có nhiều bàn luận xung quanh chủ đề việc hình thành những dấu ấn ban đầu có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục trẻ em. Bởi lẽ đây chính là giai đoạn ban đầu của sự hình thành và phát triển nhân cách. Cụ thể hơn, những năm đầu đời, trẻ em rất dễ bắt chước học theo một cách thiếu chọn lọc nên dễ hình thành những nét cơ bản của tính cách và thói quen nhất định. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận vai trò tác động của các yếu tố khác như: môi trường xã hội mà trẻ sinh sống, các điều kiện sinh học hay chính bản thân của trẻ.

Một thực tế rằng, nếu như giáo viên mầm non, các nhà quản lý giáo dục đều được đào tạo rất nhiều kiến thức về tâm lý học, giáo dục học, sự phát triển thể chất của trẻ, sự học và tâm lý trẻ, giáo dục hòa nhập…, thì không phải bất cứ ai đảm đương vai trò làm cha làm mẹ đều có những kiến thức cơ bản, sự am hiểu nhất định, kỹ năng làm cha làm mẹ.

ThS.Nguyễn Công Bình cho biết: “Qua các buổi hội thảo chuyên đề giáo dục trẻ dành cho cha mẹ, tôi nhận thấy một điều rằng hầu như các bậc cha mẹ đều cho rằng mình không có nhiều khó khăn trong quá trình dạy con nhưng khi hỏi và tìm hiểu kỹ thì các bậc cha mẹ nhìn chung có cách giáo dục thiếu phù hợp, thậm chí là sai. Chẳng hạn: cha mẹ thường thiếu khả năng kiểm soát cảm xúc của bản thân mỗi khi giận dữ, thường chuyển những cảm xúc tiêu cực từ cá nhân lên con, vô tình tác động đến tâm lý trẻ, khiến con dễ sợ hãi, lo lắng… Một trong những nguyên nhân mà trẻ thường gặp các vấn đề liên quan đến rối loạn hành vi ứng xử, các rối nhiễu tâm lý cũng bắt nguồn từ nguyên nhân trên”.

Thời gian gần đây, ngoài các khóa học kỹ năng làm cha mẹ được tổ chức trên nhiều diễn đàn, trung tâm, còn có nhiều sách về chủ đề này như: Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn, Nuôi con không phải là cuộc chiến, Con nghĩ đi, mẹ không biết!, Để con được ốm, Chiến lược của mẹ thay đổi cuộc đời con… được xuất bản nhằm đáp ứng nhu cầu của việc nuôi dạy trẻ.

Cha mẹ nào cũng yêu thương con vô bờ bến nhưng không phải ai sinh ra cũng nghiễm nhiên thực hành hoàn hảo vai trò làm cha mẹ của chính mình. Đó là cả một hành trình dài cùng con khôn lớn thông qua việc tự bồi dưỡng kiến thức và lắng nghe, sẻ chia với con trẻ.

Lâm Viên

Tin hoạt động khác