[HDAP] Sáng ngày 28/4/2021, tại Biên Hoà, Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức và Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục tỉnh Đồng Nai đã tổ chức buổi hội thảo chuyên đề “Học sinh của bạn có thực sự cá biệt?”. Hội thảo có sự tham dự của hơn 40 giáo viên tại các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và các nhà tâm lý đến từ TP Hồ Chí Minh và Biên Hoà.

Dưới sự dẫn dắt của TS Lê Minh Công, Phó trưởng Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học KHXH &NV, ĐHQG – HCM, Phó tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam và ThS Nguyễn Công Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức, hội thảo tập trung vào hai chủ đề chính bao gồm: Nhận diện chân dung của các học sinh cá biệt trong trường học, và điều gì dẫn tới hành vi cá biệt ấy ở học sinh; Tiếp cận hệ thống trong can thiệp, hỗ trợ học sinh cá biệt.

Bài trình bày và trao đổi của Ths Bình hướng đến việc nhận diện ra chân dung các học sinh cá biệt là như thế nào? Ths Bình cho rằng, nhận thức học sinh cá biệt là do người lớn gán nhãn và theo tiêu chuẩn đạo đức mà người lớn quy chiếu. Tuy nhiên, đa số các học sinh mà chúng ta coi là cá biệt đều có những khó khăn nội tại hoặc ảnh hưởng từ bối cảnh mà các em sống. Các khó khăn mà học sinh ấy phải trải qua có thể là các rối loạn phát triển thần kinh (tự kỷ, ngôn ngữ/ giao tiếp, phát triển, ADHD, rối loạn học tập), hoặc các khó khăn liên quan đến quá trình nhận thức (chú ý, ghi nhớ, chức năng điều hành), và các rối loạn về hành vi cảm xúc. Hơn thế, các em có thể có các khó khăn về động cơ, bối cảnh, phương pháp giáo dục của cha mẹ/ giáo viên … Chính vì thế, việc nhận diện và đánh giá các khó khăn của các em để có chiến lược hỗ trợ là cực kỳ cần thiết, giúp các em khỏe mạnh trong bối cảnh trường học.

TS Lê Minh Công bắt đầu bằng câu chuyện về các khó khăn, tổn thương của học sinh, xa hơn chính giáo viên cũng đang phải trải qua những khó khăn, nhất là cảm giác bất lực hoặc sự cô đơn trong tiến trình trở thành một nhà giáo. Trong bài trình bày của mình, TS Công nhấn mạnh đến sứ mệnh, lựa chọn mục tiêu và bắt đầu tiến trình thay đổi để hạnh phúc, cảm nhận thuộc về của giáo viên để hướng tới một nhà trường hạnh phúc, học sinh hạnh phúc. Bài trình bày cũng giúp giáo viên hiểu hơn được quy trình, kỹ năng đánh giá các khó khăn của học sinh, trên cơ sở đó có chiến lược một cách hệ thống trong việc hỗ trợ và can thiệp cho học sinh đang có những khó khăn như bài trình bày của Ths Nguyễn Công Bình. Thấu hiểu – Yêu thương và Tin tưởng, Trao giá trị chính là chìa khoá để giúp trẻ hạnh phúc và bản thân nhà giáo cũng hạnh phúc.

Ngoài phần trình bày của hai diễn giả, hội thảo cũng được lắng nghe nhiều câu chuyện mà các giáo viên đã phải trải qua, có những trường hợp trẻ bị bạo hành nghiêm trọng, có trường hợp trẻ có các khó khăn nhưng không ai hỗ trợ, có trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục… Trên cơ sở các trường hợp cụ thể, diễn giả và giáo viên đã cùng nhau thảo luận các chiến lược, cách thức để hỗ trợ trẻ một cách hệ thống, tích cực hơn.

Hơn 2 giờ hội thảo để lại nhiều trải nghiệm tích cực và hạnh phúc. Nỗi niềm đọng lại và mong đợi của từng người nghe đều mong muốn “”làm thế nào để bản thân khoẻ mạnh?” “Làm thế nào để mỗi đứa trẻ được hạnh phúc?” “Chúng ta cần có kỹ năng gì để giúp trẻ tốt hơn?” “hiểu để chữa lành và yêu thương”…

Chúng tôi sẽ cố gắng trở lại nhiều buổi hội thảo nữa để góp phần vào sứ mệnh thăng tiến đời sống tinh thần của chính giáo viên và học sinh.

 

http://www.baodongnai.com.vn/tintuc/202104/khong-nen-gan-nhan-hoc-sinh-ca-biet-3054349/

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin hoạt động khác