Sáng ngày 05/06/2022, Trung tâm tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức phối hợp cùng Công ty TNHH Dịch vụ khoa học và du lịch Văn Khoa (thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia TP.HCM - ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM) và Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH), tổ chức Lễ khai giảng chương trình “Tham vấn tâm lý cơ bản” cho 25 học viên là y bác sĩ, kỹ thuật viên phục hồi chức năng.

(Các đại biểu tham gia lễ khai giảng chương trình đạo tạo tham vấn tâm lý cơ bản)


Tham dự buổi lễ, về phía Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM có TS. Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng nhà trường; TS. Lê Minh Công - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ sức khỏe tinh thần, Phó trưởng khoa Công tác xã hội. Về phía Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức, có bà Bùi Ngọc Diễm - Giám đốc trung tâm; ông Nguyễn Công Bình - P. Giám đốc trung tâm. Về phía Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, có ông Huỳnh Tú Anh - Phó trưởng phòng nghiệp vụ; chủ tịch hội điều dưỡng tỉnh. Cùng đại diện cho nhà tài trợ của chương trình “Tham vấn tâm lý cơ bản” là bà Nguyễn Ánh Chí - Giám đốc dự án - đại diện tổ chức VNAH.

(TS. Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM phát biểu tại buổi lễ khai giảng chương trình đào tạo của Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức).

Phát biểu khai mạc chương trình, TS. Phạm Tấn Hạ nêu rõ: Hiện nay, tại Việt Nam các dịch vụ tâm lý ngày càng phổ biến, tuy nhiên các chương trình đào tạo chuyên sâu, mang tính thực hành chỉ dừng lại ở những khóa đào tạo sau đại học chuyên về Tâm lý học lâm sàng, còn lại các chương trình đào tạo về tâm lý học còn tập trung vào hướng đào tạo tổng quát. Điều này không chỉ làm giới hạn nguồn nhân lực đội ngũ là các nhà tâm lý trong việc cung cấp các dịch vụ về sức khỏe tâm thần mà còn tạo nên những giới hạn về nhu cầu học tập để ứng dụng vào công việc đối với các đối tượng là cán bộ như bác sĩ, giáo viên, những người đang làm công việc tại cộng đồng có tác động trực tiếp với con người. Do đó, việc xây dựng chiến lược phát triển chuyên môn định hướng ứng dụng tâm lý – giáo dục cho đa dạng các đối tượng người học theo hướng phục vụ mạnh mẽ hơn nhu cầu của cộng đồng là vấn đề ưu tiên trong tình hình mới hiện nay.

(Bùi Ngọc Diễm - Giám đốc trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức bày tỏ niềm tự hào khi Hoàng Đức trở thành cầu nói giữa Đại học KHXH&NV với Trung tâm hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam).


Cũng trong buổi lễ, bà Bùi Ngọc Diễm không ngại chia sẻ sự vui mừng xen lẫn tự hào, khi Trung tâm Hoàng Đức trở thành cầu nối giữa Đại học KHXH&NV với Trung tâm hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam trong chương trình đào tạo ngắn hạn “Tham vấn tâm lý cơ bản” sắp tới. Bà Diễm khẳng định rằng việc tổ chức đào tạo cho 26 cá nhân là các bác sĩ phục hồi chức năng, kỹ thuật viên và nhân viên công tác xã hội tại 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai không những đem lại lợi ích về mặt chuyên môn mà còn là một bước tiến xa hơn trong công tác củng cố, mở rộng tổ chức đội ngũ của Trung tâm Hoàng Đức.

(Ông Huỳnh Tú Anh - Phó trưởng phòng nghiệp vụ Sở Y tế Đồng Nai phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ khai giảng chương trình đạo tạo tham vấn tâm lý cơ bản).


Đại diện Sở Y tế Đồng Nai là ông Huỳnh Tú Anh - Phó trưởng phòng nghiệp vụ Sở y tế; chủ tịch hội điều dưỡng tỉnh Đồng Nai cùng với đại diện Trung tâm hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam, đồng thời là giám đốc dự án, bà Nguyễn Ánh Chí cũng thể hiện sự tin tưởng và kỳ vọng rất cao dành cho dự án thiết thực và thức thời này.

(Bà Nguyễn Ánh Chí - Giám đốc dự án, đại diện tổ chức VNAH phát biểu).

Thông qua những phát biểu và chia sẻ từ quý lãnh đạo, có thể nhận thấy sự tâm huyết, nghiêm túc trong việc triển khai chương trình “Tham vấn tâm lý cơ bản” từ phía ban tổ chức. Đây không đơn thuần là một khóa đào tạo cấp chứng chỉ, mà là một dự án ý nghĩa, có giá trị mang tính nhân văn sâu sắc.

Đặc biệt, cuối buổi lễ, các bức tranh làm từ các loại hạt, giấy và màu do chính các em đang học tập tại Trung tâm tự kỷ Hoàng Đức thực hiện đã được tặng cho quý đại biểu như một món quà tri ân đầy ý nghĩa. 

(Bà Bùi Ngọc Diễm gửi tặng các bức tranh đến đại diện các đơn vị tổ chức, đồng hành cùng khóa đào tạo)

Thông tin về chương trình “Tham vấn Tâm lý cơ bản”

Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM là một trong những trường đại học lớn của cả nước, chuyên về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Sứ mạng của Nhà trường ngoài đào tạo, nghiên cứu khoa học còn hướng đến mục tiêu phục vụ cộng đồng và phát triển văn hóa. 

Nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng các kiến thức và kỹ năng tâm lý trong hoạt động đánh giá, hỗ trợ tâm lý trong đời sống thực tiễn, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội, Nhà trường giao cho Công ty TNHH Dịch vụ Khoa học và Du lịch Văn Khoa (là đơn vị trực thuộc trường) mở chương trình đào tạo ngắn hạn “Tham vấn tâm lý cơ bản” nhằm nâng cao và cải thiện kỹ năng mềm cho các giáo viên, bác sĩ, nhân viên y tế, nhân viên xã hội, các cá nhân doanh nghiệp, công ty có quan tâm.

Khóa đào tạo dự kiến kéo dài trong thời gian 6 tháng (từ tháng 6/2022 đến tháng 11/2022) với khối lượng 730 tiết, trong đó 330 tiết lý thuyết và 410 tiết thực hành (thảo luận, thực hành, thực tập, báo cáo thu hoạch); với hình thức học tập trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tin và bài: Tấn Thành - Ảnh: Tuấn Anh



 

Tin hoạt động khác