[HDAP]  Sáng ngày 04/05/2022, Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Sức khỏe tinh thần (Trung tâm MHRS) trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM) tổ chức Tọa đàm khoa học “Tiếp cận đa ngành trong nghiên cứu, phòng ngừa và can thiệp tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên".

(Hình 1. Quang cảnh buổi toạ đàm)

Đến dự Tọa đàm, về phía Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM có sự tham gia của: TS. Lê Hoàng Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Trần Anh Tiến - Trưởng phòng Đối ngoại & Quản lý khoa học; TS. Lê Minh Công - Giám đốc Trung tâm MHRS, Phó trưởng khoa Công tác xã hội; TS. Nguyễn Văn Tường - Phó Giám đốc Trung tâm MHRS; Và quý Thầy Cô đại diện các Phòng, Khoa, Bộ môn, Trung tâm…

Về phía Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức có sự tham gia của: ThS. Nguyễn Công Bình - Phó Giám đốc Trung tâm.

Tọa đàm có sự hiện diện của gần 100 khách mời là các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực, các nghiên cứu sinh, học viên cao học và các bạn sinh viên quan tâm. Tọa đàm được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại Phòng hội nghị, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM (10 - 12 Đinh Tiên Hoàng, phường Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM) và 02 điểm cầu trực tuyến tại Thủ đô Hà Nội. 

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Lê Hoàng Dũng nhấn mạnh tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên là đang là một hiện tượng nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội. Đồng thời, Tiến sĩ khẳng định tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc tiếp cận đa ngành trong triển khai các nghiên cứu, dự án và thực hành can thiệp, phòng ngừa tự sát ở nhóm đối tượng này.

Sau phát biểu khai mạc, với sự dẫn dắt của TS. Lê Minh Công - Chủ trì Tọa đàm, năm diễn giả là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực sức khỏe tinh thần đã trình bày các tham luận để làm sáng tỏ chủ đề Tọa đàm, cụ thể:

  • Tham luận 1: Tổng quan về hành vi tự sát của trẻ em, thanh thiếu niên - PGS. TS. Trần Thành Nam, Trưởng khoa Khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG-HN.

  • Tham luận 2: Tiếp cận Y khoa và Sức khỏe tâm thần về tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên - ThS.BS.CKI. Giang Ngọc Thuỵ Vy, Trưởng Khoa Tâm lý Y học, Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh.

  • Tham luận 3: Phòng ngừa và can thiệp hành vi tự sát ở trẻ em, thanh thiếu niên dựa vào trường học - TS. Lê Nguyên Phương, Chuyên gia Giáo dục và Tâm lý; Nhà sáng lập và Giám đốc Chuyên môn tại Minerva Education.

  • Tham luận 4: Tác động của xã hội đến hành vi tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên - ThS. Nguyễn Thị Thanh Tùng, Khoa Công tác xã hội, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM.

  • Tham luận 5: Ảnh hưởng của gia đình đến hành vi tự sát của trẻ em, thanh thiếu niên - TS. Nguyễn Văn Tường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Sức khỏe tinh thần, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM.

(Hình 2. TS. Lê Minh Công phát biểu đề dẫn toạ đàm)

Tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên - hồi chuông báo động.

Trong phần tham luận mở đầu Tọa đàm, PGS.TS Trần Thành Nam thông tin: Mỗi năm trên thế giới có khoảng 41.000 người tự sát, cứ 40 giây lại có một người chết do tự sát. Tại Việt Nam, thực trạng tự sát ngày càng trẻ hóa và có dấu hiệu gia tăng. Năm 2019 chiếm 7,5% dân số. Thậm chí thực tế, con số có thể nhiều hơn so với số liệu thống kê. Điều đó làm rõ cho chúng ta thấy rằng vấn đề tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên đang là hồi chuông báo động mà cả xã hội phải quan tâm.

Sự vào cuộc của các chuyên gia

Những tham luận tiếp theo, các chuyên gia đã nêu bật nhiều hướng tiếp cận cũng như đề xuất giải pháp cho vấn đề báo động này, với một số điểm cần lưu ý như:

“Cần xây dựng cho mỗi người ngay từ ban đầu có khả năng hồi phục trở lại trước những thay đổi biến cố trong cuộc sống. Việc phòng ngừa tự sát phải được xây dựng từ trong gia đình, cộng đồng, trường học… không chỉ là can thiệp ở bệnh viện, phòng khám mà còn là những nơi khác, những đường dây hỗ trợ cho vấn đề khủng hoảng tự sát” (ThS.BS.CKI. Giang Ngọc Thụy Vy)

“Dạy cho các bạn trẻ những kỹ năng cần thiết để ứng phó với các khó khăn về cảm xúc và tâm lý. Giảm bớt áp lực học hành bằng cách đánh giá lại lượng kiến thức mà học sinh cần học. Đầu tư xây dựng và phát triển mô hình phòng tham vấn tâm lý học đường ở tất cả các trường học. Cung cấp cho phụ huynh những kỹ năng cần thiết như nuôi dạy con, giao tiếp với con cái” (ThS. Nguyễn Thị Thanh Tùng)

“Yếu tố bảo vệ trẻ đầu tiên là cha mẹ, thông qua sự thông hiểu, đồng cảm và hỗ trợ con. Cha mẹ phải theo dõi xem con đang quan tâm vấn đề gì, đọc gì, xem gì và thảo luận với con về nội dung đó, sau đó cùng con đưa ra những kết luận tích cực cho cuộc sống” (TS. Lê Nguyên Phương)

“Gia đình luôn được xem là yếu tố bảo vệ cho thanh thiếu niên nhưng cũng là yếu tố mật thiết đến nguy cơ tự sát của các em, điều đó thấy được thông qua các nghiên cứu về mặt di truyền, nhân khẩu học, giáo dục gia đình - trong đó giáo dục gia đình là yếu tố quan trọng bậc nhất. Các nguyên nhân lý giải cho hành vi tự sát của các bạn trẻ xuất phát từ: việc phản ứng lại với cách giáo dục không phù hợp trong gia đình như bị cha mẹ la mắng, đánh đập một cách bạo lực; sự chia cách trong gia đình vì cha mẹ ly dị; cha mẹ nghiện cờ bạc” (TS. Nguyễn Văn Tường)

Sau phần trình bày tham luận của năm chuyên gia, các khách mời đã đặt ra nhiều câu hỏi thiết thực, mang tính xây dựng cao, góp phần làm sôi nổi không khí thảo luận tại Tọa đàm. 

(Hình 3. Các chuyên gia trình bày báo cáo tại toạ đàm)

Cần sự chung tay của toàn xã hội 

Phát biểu bế mạc Tọa đàm, TS. Lê Minh Công nêu rõ, Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến phát biểu của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học. Tất cả ý kiến đều tập trung phân tích, đánh giá thực trạng tự sát hiện nay của trẻ em, thanh thiếu niên để làm sáng tỏ nguyên nhân tự sát trong việc tiếp cận nhiều phương diện: cá nhân, gia đình, nhà trường, xã hội. Từ đó vận dụng vào thực tiễn xây dựng các đề xuất, phương pháp nhằm góp phần phòng ngừa và hỗ trợ tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên, thúc đẩy truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Kết quả của Tọa đàm khoa học “Tiếp cận đa ngành trong nghiên cứu, phòng ngừa và can thiệp tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên" sẽ góp phần cung cấp thêm những luận cứ hữu ích phục vụ cho các nhà nghiên cứu và thực hành để có thể ứng dụng trong bối cảnh công việc và nghề nghiệp của bản thân; đồng thời là cơ sở để đề xuất lên các cấp có thẩm quyền trong quá trình xây dựng những chương trình, mô hình sức khỏe tinh thần cộng đồng cũng như hỗ trợ sức khỏe tinh thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên.

Hình ảnh các đại biểu thảo luận tại toạ đàm: 

(Hình 4. TS. Nguyễn Văn Tường báo cáo và trình bày tại toạ đàm)

(Hình 5. PGS.TS. Trương Văn Vỹ trao đổi tại toạ đàm)

(Hình 6. Đại diện trường Đại học FPT phát biểu tại toạ đàm)

(Tin và bài: Tấn Thành. Hình ảnh: Tuấn Anh)

_____________________________________

Tọa đàm khoa học “Tiếp cận đa ngành trong nghiên cứu, phòng ngừa, can thiệp tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên” đã nhận được quan tâm lớn từ các cơ quan truyền thông đại chúng uy tín, với sự tham dự và đưa tin của: Báo Thanh Niên, Báo Người Lao Động, Báo Phụ nữ TP. HCM, Báo Pháp luật, Báo Tuổi trẻ, Zingnew, Đài truyền hình HTV, VTV. 

Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức chân thành cảm ơn sự đưa tin của quý cơ quan truyền thông đã cập nhật và lan tỏa giá trị của Tọa đàm đến cộng đồng.

Báo Pháp luật TPHCM: https://plo.vn/chung-tay-ngan-ngua-tu-sat-o-tre-em-va...

Báo Tuổi trẻ TP HCM: https://tuoitre.vn/dung-chi-danh-gia-kha-nang-tu-tu-cua...

Báo Thanh niên TP HCM: https://thanhnien.vn/lam-the-nao-de-phong-ngua-nguy-co-tu...

https://thanhnien.vn/con-cai-o-voi-cha-me-nhieu-thi-nguy...

Báo Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/.../tiep-can-da-nganh-trong.../

Báo Người lao động: https://nld.com.vn/.../thieu-phong-tham-van-tam-ly-de...

Báo Khoa học và Đời sống: https://khoahocdoisong.vn/tu-tu-la-nguyen-nhan-thu-hai...

Báo Dân trí: https://dantri.com.vn/.../lam-gi-de-giup-do-nguoi-tre-co...

Tri thức: https://trithucvn.org/.../tu-tu-da-tro-thanh-nguyen-nhan...

 

 

Tin hoạt động khác